“Bố mẹ dặn tôi là cố gắng tìm các anh về con nhé” – Có lẽ đây là câu nói từ thân nhân mà chúng tôi được nghe nhiều nhất trong 2 ngày đi thu mẫu ADN thân nhân vừa qua.
Chúng ta vẫn luôn day dứt cùng nỗi đau của những người Mẹ Việt Nam Anh Hùng mong ngóng con mình trở về đến mờ lòa đôi mắt. Nhưng thời gian khắc nghiệt với các Mẹ quá. Nhiều Mẹ đã không thể chờ đến khi được ôm những gì còn lại của con mình trở về. Và thế là những mong mỏi ấy đã được gửi gắm lại cho những người anh, chị, người em, người con và cháu của những anh hùng liệt sĩ đã ngã xuống.
Trong hai ngày 26 & 27/7, dưới sự chỉ đạo và điều phối của Bộ Công an, GeneStory đồng hành cùng các đơn vị công an tại địa phương gấp rút thực hiện thu mẫu cho gần 200 thân nhân liệt sĩ tại các tỉnh thành trên cả nước gồm: Tp. Hồ Chí Minh, Đồng Nai, Đà Nẵng, Quảng Nam (diễn ra ngày 26/7), Hà Nội-Đông Anh, Hưng Yên, Nam Định (đang diễn ra ngày 27/7).
Bác Vũ Văn Thân, 66 tuổi, tại Hà Nội đã đến để góp mẫu ADN vào ngân hàng gen, với hi vọng tìm lại được hai anh trai của mình là liệt sĩ Vũ Ngọc Hân và liệt sĩ Vũ Ngọc Ngoan – các anh đã tham gia chống Mỹ cứu nước và hi sinh tại chiến trường miền Nam. “Bố mẹ dặn tôi là cố gắng tìm hai anh về con nhé. Nên là khi tôi biết có ngân hàng gen như thế này, tôi rất mừng, như một tia hi vọng mới vậy. Sáng nay tôi phải đến đây ngay” – bác chia sẻ thêm với đội ngũ thu mẫu của GeneStory.
Hay như bác Nguyễn Trường Sơn, 76 tuổi, tại Hồ Chí Minh, là em trai của liệt sĩ Nguyễn Sỹ Lĩnh, cũng nghẹn ngào chia sẻ niềm mong mỏi của cụ bà thân sinh “Gắng tìm anh Lĩnh về cho mẹ.” Bác mang theo rất nhiều giấy tờ và chứng từ liên quan của anh trai mình, cung cấp nhiều thông tin nhất có thể cho Bộ Công an cùng đơn vị thu mẫu để gia tăng cơ hội tìm thấy anh trai.
Rồi có những cụ bà đầu bạc, đã 70 tuổi mà đến gặp chúng tôi với mong muốn tìm lại ba. Điển hình như bà Trịnh Lương Thu Trang – 63 tuổi, đã trải qua 25 đợt hóa trị ung thư đại trực tràng, sức khỏe suy kiệt, vẫn gắng đến nơi thu nhận mẫu để hoàn thành tâm nguyện lớn nhất của đời mình là đưa ba về nhà. “Những tháng ngày cuối đời có được tin của ba, hoặc tôi không đợi được thì gia đình sau này cũng có thông tin.” – ghi nhận của phóng viên VnExpress khi bà Trang chia sẻ.
Nhìn những cô dì chú bác thân nhân liệt sĩ đều là những người đã lớn tuổi, chân đi không vững, có bác còn phải dìu, phải cõng, mà lòng đoàn công tác GeneStory chúng tôi thắt lại. Tự hứa phải khẩn trương hơn nữa, triển khai mạnh mẽ hơn nữa, chạy đua với thời gian để xây dựng và mở rộng ngân hàng gen qua những lần thu mẫu thân nhân liệt sĩ.
Đại tá Vũ Văn Tấn, Phó Cục Trưởng Cục Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội – Bộ Công an cho biết, để sẵn sàng tích hợp dữ liệu thông tin ADN hài cốt liệt sĩ và thân nhân với Cơ sở dữ liệu Căn cước nhằm phục vụ tìm kiếm, quy tập và xác định danh tính hài cốt liệt sĩ chưa xác định được thông tin, việc lấy mẫu ADN đối với thân nhân gia đình liệt sĩ, phải là gia đình trực hệ phía đằng ngoại sẽ lưu vào cơ sở dữ liệu quốc gia để sau này có cơ sở đưa các anh hùng liệt sỹ về với gia đình, quê hương.
Chú thích thêm: Loại dữ liệu ADN dùng để đối sánh mẫu thân nhân với liệt sĩ là mtDNA (DNA nằm trong ty thể) di truyền theo dòng mẹ. Vì vậy, chúng tôi gấp rút đi thu mẫu của thân nhân các liệt sĩ theo dòng mẹ (họ ngoại), với các thứ tự ưu tiên: (1) Mẹ đẻ liệt sĩ; (2) Mẹ đẻ của mẹ đẻ (bà ngoại ruột) của liệt sĩ; (3) Anh chị em cùng mẹ đẻ với liệt sĩ; (4) Bác, cậu, dì là anh chị em ruột của mẹ liệt sĩ (cùng mẹ đẻ); (5) Anh em con của chị gái, em gái mẹ đẻ liệt sĩ; (6) Con của chị gái, em gái của liệt sĩ.
Nhân ngày 27/7, GeneStory mong muốn góp chút sức và những bước chân đầu tiên trên hành trình nuôi hi vọng đưa 500.000 liệt sĩ chưa xác minh được thông tin về lại với gia đình và quê hương.
Xem thêm hình ảnh sự kiện tại Fanpage của GeneStory: Tại đây