Hành động và lời nói của cha mẹ có ảnh hưởng tới với việc hình thành tính cách, lối sống và thái độ sống của con nhiều hơn cha mẹ nghĩ. Các nghiên cứu cho thấy có những lời cha mẹ thường xuyên nói với con cái nhằm khuyến khích con làm việc tốt nhưng thực ra lại có những mặt trái không ngờ.
Theo phương pháp giáo dục Montessori, dưới đây là những câu nói thường gặp và những gợi ý cách nói thay thế để con thực sự hiểu bản chất của lời khen và có động lực tự thân để làm những việc có ích.
1. “Con giỏi quá”
Cha mẹ thường có thói quen khen con “giỏi”, ngay cả dành cho những việc mà con không hẳn phải nỗ lực hoặc những việc mà con còn chưa hoàn thành. Điều này sẽ khiến con hình thành nhận thức làm một việc để được khen giỏi, chứ không phải vì con thấy cần phải hoàn thành việc đó.
Thay vào đó, hãy nói “Mẹ thấy là con đã dành rất nhiều thời gian cho mô hình này. Hãy kể cho mẹ nghe về quá trình con lắp ráp nhé.” Bằng cách tập trung vào nỗ lực của con, cha mẹ đã dạy con rằng nỗ lực quan trọng hơn kết quả. Những việc con làm không phải để được cha mẹ khen hoặc vì cha mẹ khen mà con mới làm. Điều này giúp con trở nên bền bỉ hơn trong cuộc sống, cũng như hiểu rằng thất bại là bước đi cần thiết cho sự thành công.
2. “Con ngoan lắm”
Hầu hết các bậc cha mẹ cho rằng đây là cách để khuyến khích con làm những hành động tốt. Tuy nhiên, thực tế lại không hoàn toàn như vậy. Khi trẻ nghe thấy “con ngoan lắm” sau khi thực hiện một công việc được yêu cầu, con sẽ hình thành định nghĩa “Ngoan là làm theo đúng yêu cầu của cha mẹ”. Khi đó, trẻ sẽ có xu hướng nghe lời chỉ để không đánh mất vị thế “một đứa con ngoan” mà không chú trọng đến ý nghĩa thực sự của việc làm đó.
Thay vào đó, cha mẹ hãy thử nói: “Ôi, mẹ rất vui khi con đã dọn đồ chơi của mình”. Điều này đưa cho trẻ thông điệp rằng hành động của con có ý nghĩa như thế nào đối với bạn, và rằng con đã làm được một việc tốt, giúp nhà cửa gọn gàng và giúp cho chính đồ chơi của con không bị thất lạc. Cha mẹ cũng có thể nói: “Ồ, mẹ đã thấy con chia sẻ đồ chơi với bạn. Hai con có vẻ đã chơi rất vui nhỉ.” Điều này sẽ khuyến khích trẻ tự quyết định liệu việc “chia sẻ” có phải là một việc tốt hay không, có nên lặp lại hành động này ở những lần sau hay không. Và hành động này cần bắt nguồn từ chính nhận biết của con, chứ không phải chỉ để làm vui lòng bố mẹ.
3. “Con vẽ đẹp quá”
Khi cha mẹ ngay lập tức đưa ra đánh giá cho những bức tranh của con hay bất kỳ sản phẩm nào mà con tạo ra, thì cũng chính là lúc cha mẹ đã “lấy” mất cơ hội để trẻ tự đánh giá bức tranh hay tác phẩm của mình.
Thay vào đó, cha mẹ có thể thử nói: “Mẹ thấy màu đỏ này, xanh này, vàng này. Con hãy nói về bức tranh của con cho mẹ nghe với.” Bằng cách đưa ra nhận xét theo góc độ quan sát hơn là đánh giá này, cha mẹ sẽ cho con quyền nêu chính kiến, tự đánh giá bức tranh là đẹp hay không. Khi nhờ con giới thiệu về bức tranh, cha mẹ đã cho con cơ hội để tự bình phẩm tác phẩm của mình, điều này sẽ tạo nền tảng giúp con phát triển tốt hơn các kĩ năng nghệ thuật.
4. “Con không được làm thế, nếu không mẹ sẽ đánh đòn con!”
Khi nói như vậy với một đứa trẻ, cha mẹ đang dạy con một “kỹ năng” mà chắc chắn không bậc phụ huynh nào muốn: phản xạ sử dụng bạo lực để đạt được những gì mình muốn, ngay cả khi người kia không sẵn sàng hợp tác. Thêm vào đó, bạn còn đặt chính mình vào thế khó: bạn phải đánh con, hoặc nếu không, con sẽ nghĩ bạn chỉ dọa chúng và những lời đe dọa của bạn không còn hiệu lực vào những lần sau nữa. Dù bạn làm thế nào cũng sẽ không khiến con nghe lời hơn, mà còn làm tổn thương tình cảm của con dành cho bạn.
Thay vào đó, cha mẹ hãy đưa cho con một giải pháp hành động phù hợp hơn, ví dụ: “Đánh anh trai là không đúng. Con có sợ anh bị đau và sẽ đánh lại con không? Nếu con thấy tức giận, con hãy đánh vào gối hoặc ghế sofa.” Bằng cách này, cha mẹ cho con một giải pháp thay thế an toàn hơn, nhưng vẫn cho phép trẻ thể hiện cảm xúc của mình. Điều này cũng giúp cha mẹ đặt cho con giới hạn rõ ràng cho hành vi của mình. Về lâu dài, con sẽ học được cách kiểm soát cảm xúc tốt hơn.
5. “Nếu con… thì mẹ sẽ cho con…”
“Hối lộ” trẻ sẽ khuyến khích chúng hợp tác chỉ để nhận được điều gì đó mà chúng được hứa. Điều này về lâu dài sẽ hình thành một thói quen xấu ở trẻ là ra điều kiện để thực hiện một việc được yêu cầu. Cha mẹ đừng ngạc nhiên nếu một ngày nào đó, chính con sẽ nói với bạn rằng: “Con sẽ không dọn phòng trừ khi mẹ mua lego cho con.”
Thay vào đó, mẹ có thể nói: “Cảm ơn con đã giúp mẹ lau dọn”. Khi cha mẹ cho thấy sự cảm kích, trẻ sẽ có động lực để tiếp tục giúp đỡ. Và nếu lần tiếp theo, con không còn hứng khởi để giúp đỡ cha mẹ, hãy nhắc con nhớ lại lần trước: “Hồi tháng trước con đã giúp mẹ đổ rác nhỉ. Mẹ cảm ơn con rất nhiều!” Điều đó sẽ khiến con nhớ lại cảm giác được ghi nhận và có thêm động lực làm việc giúp đỡ cha mẹ.
Lời kết
Không có công thức chung nào cho việc nuôi dạy mọi đứa trẻ. Các yếu tố về di truyền, gia đình và môi trường tạo nên những đứa trẻ không giống nhau về tính cách, tâm lý, nhận thức… đòi hỏi cha mẹ nên có những cách thức nuôi dạy phù hợp. Không phải lời khen “con ngoan lắm” nào cũng tạo ra những đứa trẻ biết nghe lời. Cha mẹ cần thấu hiểu con, nắm rõ mục đích trong từng phương pháp nuôi dạy, uốn nắn để con vừa được sống là chính mình, nhưng cũng hiểu về những ranh giới, những chuẩn mực cần tuân theo.
Cha mẹ cũng có thể chủ động hiểu con hơn từ góc độ tâm lý, tính cách, khả năng nhận biết, khuynh hướng phản ứng lại với môi trường… thông qua giải mã gen, để đó có những cân nhắc về lời nói, hành động, phương pháp nuôi dưỡng, cũng như thực sự đồng hành cùng trẻ trên con đường lớn khôn hạnh phúc.