Trong số 8 loại hình trí thông minh được GS. Howard Gardner định nghĩa, có một loại hình trí thông minh có vẻ nhận được ít sự quan tâm hơn các loại hình khác: Trí thông minh nội tâm. Trên thực tế, không phải ai cũng hiểu được vai trò, tầm quan trọng và khả năng đặc biệt của loại trí tuệ này. Vậy trí thông minh nội tâm là gì và làm sao để bố mẹ biết được con có trí thông minh này, cùng GeneStory tìm hiểu trong bài viết dưới đây.
Trí thông minh nội tâm là gì?
Trí thông minh nội tâm, đề cập đến khả năng hiểu được suy nghĩ, cảm xúc và mong muốn của bản thân và sử dụng khả năng đó trong việc lập kế hoạch và định hướng cuộc sống của bản thân. Nó liên quan đến việc hiểu rõ điểm mạnh, điểm yếu, giá trị và mục tiêu của bản thân. Chính khả năng hiểu rõ bản thân này mà người thông minh nội tâm thường có khuynh hướng tự lập, ít chịu tác động của những áp lực bên ngoài, cũng như có thể đưa ra những lựa chọn thông minh phù hợp với năng lực và định hướng của bản thân.
Trí thông minh nội tâm có thể được đánh giá như thế nào?
Báo cáo giải mã gen của GeneStory chỉ ra, trí thông minh nội tâm có thể được đo lường bằng các chỉ số:
– Cảm xúc vững vàng: Là khả năng làm chủ và điều tiết cảm xúc, giữ vững trạng thái mạnh mẽ và ổn định trong các tình huống khác nhau. Cha mẹ có thể nhận biết điều này ở trẻ khi quan sát con trong lúc con đối diện với sự việc không đúng ý mình, hoặc những điều tiêu cực trong cuộc sống. Những trẻ có chỉ số cảm xúc vững vàng cao sẽ ít khi có biểu hiện tiêu cực trong những tình huống mà thường dễ bị bối rối ví dụ như bạn bè trêu chọc, hoặc đứng nói trước đám đông.
– Sự hài lòng về cuộc sống: là một trạng thái cảm xúc ổn định và lâu dài, được hình thành dựa trên sự nhìn nhận tổng thể của một người về các khía cạnh khác nhau của cuộc sống như công việc, mối quan hệ, sức khỏe… Với trẻ có khuynh hướng hài lòng về cuộc sống, cha mẹ có thể thấy ở con sự tự tin và lòng tự trọng cao, con sẵn sàng chia sẻ đồ chơi, đồ ăn với các bạn, con thích giúp đỡ, bảo vệ bạn bè.
– Tâm lý cảm xúc tích cực: là cảm xúc vui vẻ, hạnh phúc, hứng khởi xuất hiện trong thời gian ngắn, tạm thời và ảnh hưởng đến cách trẻ nhìn nhận thế giới và tương tác với người khác. Ở những trẻ có ưu thế về chỉ số này, cha mẹ có thể thấy con có xu hướng lạc quan và không dễ dàng bỏ cuộc trong các thử thách khó, con biết bày tỏ sự vui vẻ, hạnh phúc khi nhận được những món quà, hoặc được chơi những trò con yêu thích.
Biểu hiện của trẻ có trí thông minh nội tâm
Trái với trí thông minh xã hội – trí thông minh hướng ra các tác động bên ngoài, người có trí thông minh nội tâm thường hướng vào bên trong bản thân họ. Điều này khiến không ít cha mẹ cảm thấy loay hoay trong việc hiểu và làm bạn cùng con. Vậy làm thế nào để nhận diện trí thông minh nội tâm ở con? Bố mẹ có thể nhận thấy một vài biểu hiện của trí thông minh nội tâm như:
- Con có thể tự nhận ra ưu, nhược điểm bản thân
- Con ít chịu tác động bởi ý kiến, áp lực từ phía bên ngoài
- Luôn toát ra sự tự tin, dám đứng trước đám đông và nêu ý kiến cá nhân
- Con có ý chí tự lập mạnh mẽ, chủ động trong việc học tập, sinh hoạt và vui chơi
- Con có khả năng trình bày quan điểm của mình một cách rõ ràng, thông suốt với người khác
Những người nổi tiếng mang trí thông minh nội tâm vượt trội
- Mark Twain: Nhà văn trào phúng nổi tiếng nước Mỹ được biết đến với khả năng dùng sự châm biếm sắc bén để diễn tả các chủ đề nội tâm sâu sắc, như bản sắc, ý nghĩa cuộc sống hay sự phức tạp của tâm lý con người. Cả cuộc đời mình, ông vẫn luôn hăng say sáng tác cho dù phải trải qua thảm kịch gia đình và các khó khăn tài chính chồng chất.
- Thích Nhất Hạnh: Ngay từ khi còn nhỏ cậu bé Thích Nhất Hạnh đã luôn có cái nhìn thấu đáo về bản thân mình. Năm 12 tuổi ông phát nguyện trở thành một nhà sư và xuất gia ở tuổi 16. Ông dành cả cuộc đời mình cho Phật giáo với mong muốn mang lại hạnh phúc và hòa bình cho nhân loại. Thiền sư Thích Nhất Hạnh được đánh giá là người có ảnh hưởng hàng đầu tới sự phát triển của Phật giáo phương Tây.
Trí thông minh nội tâm có di truyền hay không?
Các nghiên cứu về di truyền học đã chỉ ra rằng có nhiều gen có thể tác động đến khả năng trải nghiệm xu hướng tích cực về tâm lý, cũng như thúc đẩy những suy nghĩ tự nhận thức bản thân. Tiêu biểu trong số đó là:
- Gen “giảm căng thẳng” GABRA1: có tác động mã hóa các thụ thể GABA – thụ thể giải phóng chất dẫn truyền thần kinh ức chế, từ đó tạo ra tác dụng xoa dịu và đóng vai trò giảm lo lắng, căng thẳng, sợ hãi.
- Gen “nhận thức” GATAD2B: đươc cho là tác động đến vùng chức năng nhận thức của não bộ
Tuy nhiên, yếu tố di truyền không phải là tác động duy nhất. Môi trường sống cũng là tác nhân quan trọng ảnh hưởng đến sự biểu hiện trí thông minh nội tâm của trẻ. Một môi trường sống được cha mẹ thấu hiểu, tôn trọng và tạo điều kiện phát triển những thế mạnh vốn có từ di truyền, cũng như nuôi dưỡng những cảm xúc tích cực chắc chắn sẽ giúp con tự tin khôn lớn, trưởng thành.